Lần theo “đường dây” cấp giấy phép lái xe tại TP. Hồ Chí Minh – Kỳ 1: Tiếp cận “gói dịch vụ chống trượt”…

Dù đã giảm, nhưng năm 2018 vẫn có trên 8.000 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông (TNGT), con số người bị thương còn lớn hơn nhiều… Một trong những nguyên nhân chính là ý thức và trình độ của người cầm lái. Kết quả điều tra của nhóm phóng viên Báo điện tử NĐ&ĐS về công tác sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) ở TP. Hồ Chí Minh đã cho thấy phần nào sự thật phía sau những chiếc GPLX…

Dù đã giảm, nhưng năm 2018 vẫn có trên 8.000 người ṯhîệt mạnğ vì Ʈαɩ ทạท giao thông (TNGT), con số người bị thương còn lớn hơn nhiều… Một trong những nguyên nhân chính là ý thức và trình độ của người cầm lái. Kết quả điều tra của nhóm phóng viên Báo điện Ʈử NĐ&ĐS về công tác sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) ở TP. Hồ Chí Minh đã cho thấy phần nào sự thật phía sau những chiếc GPLX…

Có tiền là không thể trượt (!?)

Chỉ cần thao tác trên chiếc điện thoại có kết nối internet, từ Hà Nội chúng tôi đã hoàn thành mọi công đoạn của việc tìm người “giao dịch” để nộp hồ sơ đăng ký sát hạch GPLX tại TP Hồ Chí Minh (TP.HCM) với vài triệu đồng tiền phí.

Tiếp cận cơ chế làm luật chống trượt cực kỳ dễ dàng trong sát hạch GPLX như ở TP.HCM, nhóm phóng viên dễ dàng lý giải cho băn khoăn về việc, vì sao ngày càng lắm “xe điên”(?).

Gõ cụm từ “sát hạch GPLX tại TP.HCM”, chúng tôi nhận được hàng nghìn kết quả có số điện thoại, thông tin về các đơn vị nhận hồ sơ sát hạch GPLX. Trong đó, có những thông tin quảng cáo công khai thu hút sự chú ý của người có nhu cầu: “…bao đậu” (!?)

Tiếp thị nhận hồ sơ sát hạch GPLX công khai “bao đậu” trên mạng.

Chọn ngẫu nhiên trong số hàng nghìn kết quả, tôi tìm được thông tin quảng cáo nhận hồ sơ sát hạch GPLX của người có số điện thoại 0902.736…77. Liên lạc tới số máy này, chúng tôi được người giới thiệu tên là T. tư vấn về cách nộp hồ sơ, lệ phí sát hạch và “luật phí” để bao đậu phần sát hạch lý thuyết. Theo hướng dẫn của người phụ nữ tên T., chúng tôi cũng chỉ cần chụp chứng minh nhân dân, ảnh chân dung gửi qua zalo, sau đó chuyển tiền bao gồm lệ phí nộp hồ sơ, phí làm giấy chứng nhận sức khỏe… thì sẽ được đăng ký sát hạch.

“Tiền bao đậu thì khi nào đến sát hạch anh nộp trực tiếp” – chị T. hướng dẫn.

Theo hướng dẫn của người này, chúng tôi chuyển tiền lệ phí nộp hồ sơ tới số tài khoản 0181003379xxx mang tên chủ tài khoản Võ Thị Ánh T. Ngay sau đó, chúng tôi được thông báo lịch sát hạch vào khoảng chục ngày sau đó tại địa chỉ 51/2, phố Thành Thái, phường 14, quận 10, TP.HCM.

Như vậy, chỉ qua cuộc điện thoại, chuyển tiền qua số tài khoản ngân hàng và giao dịch trên zalo, chúng tôi đã lập tức trở thành học viên có đủ điều kiện sát hạch GPLX tại TP.HCM. Trong khi theo quy trình thì chúng tôi phải đi khám sức khỏe tại một cơ sở y tế có chức năng khám sức khỏe cho học viên sát hạch GPLX, và phải có kết luận “đủ điều kiện sát hạch GPLX hạng…”; Sau đó, học viên đến nộp hồ sơ phải có “Đơn đề nghị học, sát hạch để cấp GPLX”, kèm theo Giấy chứng nhận sức khỏe đủ điều kiện lái xe; Ảnh hồ sơ… tại cơ sở tiếp nhận hồ sơ.

Tin nhắn yêu cầu chuyển “tiền luật” để bao đậu do chị T. gửi người nộp hồ sơ cho học viên.

Theo mức giá bao đậu (làm luật chống trượt – PV) mà chị T. đưa ra thì chỉ cần nộp thêm 1,4 triệu đồng đối với học viên sát hạch GPLX hạng A2, sẽ được bao đậu phần sát hạch lý thuyết, và hỗ trợ, châm chước những lỗi nhỏ trong phần thực hành. Với sự hỗ trợ tối đa của người tiếp nhận hồ sơ, có lẽ không mấy ai lại không lựa chọn dịch vụ trọn gói đầy tiện ích, vừa không mất thời gian đi lại, vừa tự tin đi sát hạch mà không lo trượt.

Lời căn dặn lạ lùng…

Đến ngày sát hạch, học viên mà chúng tôi nộp hồ sơ trước đó được bước vào phòng sát hạch lý thuyết với lời dặn dò khá lạ lùng của một vị giám khảo: “Làm bài xong thì để nguyên đó, không được bấm Enter để kết thúc bài thi”. Khi chưa hiểu chuyện gì xảy ra, chỉ vài phút sau ngồi vào bàn máy để làm bài thi lý thuyết, những kết quả do học viên chọn (bị sai) đều bị vô hiệu hóa bằng việc dấu tích tự nhảy sang phần kết quả đúng trước sự “ngạc nhiên” của học viên.

Hết giờ sát hạch, các học viên được gọi lần lượt ra ký xác nhận kết quả vào bài thi đã được in với kết quả đạt điểm tối đa là 20 điểm, khi học viên chưa thực hiện động tác kết thúc bài thi. Vậy là dù có “mù luật” thì chỉ cần nộp thêm một khoản tiền “làm luật” thì bất cứ học viên nào cũng có thể vượt qua phần sát hạch lý thuyết với điểm số tối đa.

Cũng chính từ những trường hợp làm luật, bao đậu cho học viên sát hạch GPLX này mà không ít người được cấp GPLX và đủ điều kiện lái xe trong khi không hiểu gì hoặc rất lơ mơ về Luật Giao thông đường bộ. Nếu những “đường dây sản xuất” GPLX như thế này cứ tiếp tục hoạt động, ngày càng nhiều người “mù luật” cầm tay lái phi xe trên đường thì bảo sao không lắm “xe điên” gây họa cho xã hội?

Học viên được đến sát hạch GPLX nhưng không cần hoàn thành bài thi tại Trung tâm sát hạch GPLX

Buổi thực địa công tác sát hạch ngày hôm đó của chúng tôi tại 51/2 phố Thành Thái, phường 14, Quận 10, TP.HCM là Trung tâm sát hạch GPLX, đồng thời là địa điểm của Trường Cao đẳng Nghề số 7.

Không hiểu chuyện gì đã xảy ra với phần sát hạch lý thuyết, khi mà học viên được dặn dò là không kết thúc bài thi. Việc học viên vào phòng ngồi lên những bàn máy tính như sự sắp đặt cho đúng quy trình, và để “lòe” những mắt camera trong phòng thi. Còn quyền làm ra kết quả sát hạch của học viên đã bị “tước bỏ”. Đến đây chúng tôi mới hiểu được việc “bao đậu” trong sát hạch GPLX như thế nào? Vậy bằng cách nào mà kết quả bài sát hạch được thực hiện với kết quả đúng tối đa khi học viên không cần phải hoàn thiện thao tác làm bài? Phải chăng những bộ máy tính cho học viên sát hạch tại Trung tâm sát hạch GPLX của Trường Cao đẳng Nghề số 7 có “phép thuật”?

Theo kỹ sư tin học Phạm Đức Thịnh, việc học viên không được kết thúc bài thi nhưng vẫn cho ra kết quả bài thi với điểm số tối đa thì rất có thể do phần mềm sơ hở nên con người có thể can thiệp làm thay đổi kết quả sát hạch.

“Khi hệ thống phần mềm quản lý giấy phép lái xe, sát hạch còn sơ hở, hạn chế, vẫn có khả năng có sự can thiệp của con người làm sai lệch, thay đổi kết quả sát hạch. Cụ thể là hệ thống máy tính sát hạch có thể được nối mạng nội bộ với một máy chủ. Do thiết kế phần mềm, từ máy chủ, một người có thể điều khiển được hoạt động phần mềm đó trên các máy tính khác” – Kỹ sư Phạm Đức Thịnh phân tích.

Trong quá trình tiếp nhận hồ sơ và sát hạch GPLX tại TP.HCM, nơi có học viên chúng tôi nộp hồ sơ đến sát hạch đã bỏ qua một số thủ tục cần thiết. Thế nhưng lời khẳng định của người đại diện Sở Giao thông Vận tải TP.HCM lại cho rằng “quy trình luôn luôn đúng”. Vậy sự thật về cái gọi là “luôn luôn đúng” trong quy trình sát hạch GPLX tại đây như thế nào?

(còn tiếp)

Theo báo Nhân đạo & Đời sống