Tăng học phí từ 13 lên 70 triệu/năm: Đại học Y Dược TP.HCM lý giải

Đại học Y Dược TP.HCM cho biết mức học phí mới được tính trên cơ sở chi phí đào tạo, bên cạnh đó, trường dành 8% học phí hỗ trợ sinh viên nghèo, học giỏi.

Trong đề án tuyển sinh 2020, Đại học Y Dược TP.HCM công bố mức học phí dự kiến của các ngành tăng 3-5 lần so với mức thu năm học 2019-2020.

Trong đó, học phí ngành Răng – Hàm – Mặt lên đến 70 triệu đồng/năm, ngành Y khoa 68 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết khi trường công bố mức học phí mới, nhiều phụ huynh, sinh viên cũng thắc mắc.

Ông giải thích mức học phí tính theo chi phí đào tạo một sinh viên. Các năm trước, trường thu khoảng 14-15 triệu đồng. Phần còn lại Nhà nước bù lỗ, Bộ Y tế góp vào phần kinh phí này.

Từ ngày 1/1, trường thực hiện tự chủ, bộ không còn góp kinh phí đào tạo cho trường. Do đó, Đại học Y Dược TP.HCM phải tính đúng, đủ chi phí đào tạo.

Ông nói thêm trường chú trọng thực hành, nhiều ngành sẽ tốn kém hơn rất nhiều so với mức phí thông báo.

Ông lấy ví dụ ngành Răng – Hàm – Mặt (học phí cao nhất 70 triệu đồng/năm), mỗi sinh viên thực hành trên một máy, một số dụng cụ dùng trong thực hành không thể tái sử dụng, rất đắt tiền.

“Phần chi phí này, khi tính đúng, tính đủ còn cao hơn học phí nhưng trường cân đối lại để có mức hiện nay. Mức này chỉ lấy thu bù chi, có một phần đầu tư thiết bị, phát triển nhà trường”, ông Khôi cho hay.

Học phí năm học 2020-2021 dự kiến cho sinh viên khóa tuyển sinh 2020.

Trưởng phòng Đào tạo Đại học Y Dược TP.HCM thông tin thêm mức học phí trên chỉ áp dụng cho khóa tuyển sinh năm 2020 trở đi. Sinh viên khóa trước vẫn theo lộ trình học phí trường công bố từ đầu.

Nhà trường cũng khẳng định chưa bao giờ có chuyện thí sinh nghèo, học giỏi thi đậu nhưng không thể học ở trường vì học phí cao. Theo quy định, trường trích 8% học phí cấp học bổng hỗ trợ sinh viên nghèo, học giỏi.

Ngoài ra, trường liên kết với ngân hàng để làm chính sách vay, đồng thời có các mạnh thường quân, công ty đồng hành trong việc tìm kiếm những em khó khăn để hỗ trợ.

“Mức học phí cao, các em hưởng lợi khi trường có điều kiện để trang bị cơ sở vật chất, dần cải thiện. Những bạn khó khăn sẽ có hỗ trợ của trường, tất nhiên, chỉ những em học giỏi vì trường không đủ sức hỗ trợ tất cả”, ông nói.

Ông Nguyễn Ngọc Khôi khẳng định Đại học Y Dược TP.HCM luôn đặt chất lượng lên hàng đầu.

Trước thông tin Đại học Y Dược TP.HCM tăng học phí, một số người lo lắng sinh viên nghèo khó theo học vì tính chi phí trung bình một tháng ít nhất cũng phải 7 triệu đồng.

Trong khi đó, luồng ý kiến khác lại cho rằng ngành Y – Dược cần nhiều thiết bị, thí nghiệm, máy móc, mô hình, dụng cụ, liên kết bệnh viện… Vấn đề là việc tăng học phí sẽ song hành với đảm bảo chất lượng như thế nào?

Nguồn: https://vtc.vn/tuyen-sinh/tang-hoc-phi-tu-13-len-70-trieunam-dai-hoc-y-duoc-tphcm-ly-giai-ar549919.html

Chia sẻ