Niên hiệu mới của Nhật Bản sau khi có Nhật Hoàng mới mang ý nghĩa gì?

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản đã chính thức thông báo niên hiệu mới của Nhật Bản là Lệnh Hòa (Reiwa), mang ý nghĩa một mùa xuân mới, lan tỏa hòa bình.

Trong văn hóa Nhật Bản, niên hiệu thường gắn liền với sự trị vì của Nhật Hoàng. Theo kế hoạch, ngày 30/4 tới đây, Nhật Hoàng Akihito sẽ thoái vị và nhường ngôi cho Thái Ʈử Naruhito – người sẽ bắt đầu một thời đại mới ở Nhật Bản. Như vậy, bắt đầu từ 0h ngày 1/5 tới, triều đại mới ở Nhật Bản có niên hiệu Reiwa, theo phiên âm Hán-Việt có thể đọc là “Lệnh Hòa” hoặc “Linh Hòa”.

Tên Reiwa có nguồn gốc từ một câu trong cuốn thơ tập cổ của Nhật Bản là “Vạn Diệp Tập”. Trong cuốn này, Reiwa mang ý nghĩa một mùa xuân mới, lan tỏa hòa bình. Đây là lần đầu tiên, Nhật Bản chọn niên hiệu dựa trên một sự tích cổ của nước này, thay vì lấy niên hiệu từ các sự tích của Trung Quốc.

Niên hiệu mới Lệnh Hoà của Nhật Bản. Ảnh: CNN

Phát biểu tại cuộc họp báo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lý giải về niên hiệu mới này: “Đất nước chúng ta đang đối mặt với một thời điểm bước ngoặt lớn song có nhiều giá trị của Nhật Bản sẽ không bao giờ phai nhạt đi. Ý nghĩa đằng sau cái tên Reiwa đó là văn hóa được sinh ra, được nảy nở khi trái tim của con người được kéo lại gần nhau hơn. Chúng tôi quyết định đặt tên này vì chúng tôi cho rằng, đây là cái tên hay nhất thể hiện hy vọng của đất nước và người dân Nhật Bản về một kỷ nguyên mới cho đất nước”.

Niên hiệu mới là vấn đề được nhiều người quan tâm tại Nhật Bản. Bởi lẽ, tại Nhật Bản, các văn bản hành chính, chính sách và hoạt động của người dân cũng như các cuốn lịch, các tờ báo hầu hết được tính theo năm của niên hiệu và ít sử dụng năm dương lịch. Hàng trăm người dân Nhật Bản hôm nay đã đổ xô đi mua những ấn phẩm báo chí có niên hiệu mới.

Nhiều người bày tỏ hy vọng, niên hiệu mới sẽ mang lại may mắn và giúp nền kinh tế Nhật Bản phát triển mạnh.

Niên hiệu Nhật Bản là kết quả của một hệ thống hóa thời kỳ lịch sử do chính Thiên hoàng Kotoku thiết lập vào năm 645. Hệ thống niên hiệu của nước này vốn được coi là bất thường cho đến khi bắt đầu bước vào thế kỷ thứ 8. Chỉ từ sau năm 701 niên hiệu mới tuần tự phát triển mà không bị gián đoạn trong suốt mấy thế kỷ. Tại Nhật Bản hiện nay, năm có thể được đǻnĥ số bằng niên hiệu của Thiên Hoàng tại vị. Đến nay, Nhật Bản đã có 250 niên hiệu khác nhau. Trong khoảng 200 năm trở lại đây, một triều đại cũng là toàn bộ thời gian trị vì của một Thiên Hoàng.

Các niên hiệu trong thời hiện đại gồm Minh Trị – 1868-1912, Đại Chính – 1912-1926 và Chiêu Hòa – 1926-1989. Niên hiệu của triều đại hiện nay là Bình Thành bắt đầu từ ngày 8/1/1989, một ngày sau khi Nhật Hoàng Hirohito băng hà. Năm 2019 là năm Bình Thành thứ 31, đồng thời cũng sẽ là năm Lệnh Hòa thứ nhất sau khi Nhật hoàng mới lên ngôi.

Theo báo Nhân đạo & Đời sống