Lộ diện lãnh đạo có con được nâng điểm ở Sơn La

Dạn sách nghề nghiệp của phụ huynh 21 thí sinh Sơn La được nâng khống điểm thi nhiều người trong số họ nắm giữ các chức vụ quan trọng trong tỉnh.

Tối 17/4, báo Tuổi trẻ đã công bố danh sách nghề nghiệp và công việc của phụ huynh 21 thí sinh Sơn La được nâng khống điểm thi.

Bản danh sách nghề nghiệp phụ huynh có con được nâng điểm trong kỳ thi ĐH năm 2018. Ảnh Tuổi trẻ

Trong danh sách mà báo Tuổi trẻ đăng tải, thí sinh được nâng tới 25 điểm hiện đang có bố là cán bộ Công an tỉnh Sơn La, mẹ là cán bộ trường Tiểu học và THCS Quyết Tâm, TP. Sơn La.

Thí sinh đứng thứ 2, được nâng 23,35 điểm có bố là Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Sơn La, mẹ là trưởng phòng Chi cục Trồng trột và Bảo vệ thực vật Sơn La.

Theo bản danh sách, riêng Sở GD&ĐT Sơn có tới 3 lãnh đạo có con nằm trong danh sách những thí sinh bị can thiệp bài thi của Bộ GD&ĐT. Cụ thể, các thí sinh đó có bố là Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La (được nâng 3 điểm), Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Sơn La (được nâng 8,7 điểm), Trưởng phòng Giáo dục trung học – Sở GD&ĐT Sơn Lan (được nâng 4,8 điểm).

Con của Phó Chánh Thanh tra UBND tỉnh Sơn La cũng nằm trong danh sách những thí sinh bị sửa bài thi. Theo bản danh sách chấm thẩm định, điểm thi của con vị này giảm 5 điểm so với số điểm chấm lần đầu.

Bảng điểm chi tiết của 21 thí sinh trong số 44 thí sinh là con em cán bộ, công chức gian lận điểm thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Sơn La. Ảnh Tuổi trẻ

Trao đổi với PV Đất Việt, ông Nguyễn Văn Tuấn – Chánh Văn phòng Phòng Thanh tra, UBND tỉnh Sơn La cho biết, hiện nay đơn vị cũng chưa nhận được thông tin chính thức về vấn đề này. Tuy nhiên, ở cơ quan mọi người cũng đã truyền tai nhau về thông tin này.

“Những ngày qua, anh ấy (Phó Chánh Thanh tra có con nằm trong danh sách sửa điểm thi) vẫn đi làm bình thường, cũng không lên tiếng giải thích với ai vì sự việc. Còn mọi người cũng ngại vì đây là sự việc tế nhị nên cũng không hỏi” – ông Tuấn cho hay.

Liên quan đến vụ gian lận thi cử tại Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang; trao đổi với VnExpress ngày 16/4, đại biểu Quốc hội, luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng dùng tiền để mua điểm, mua cơ hội cho con em là hành vi không thể chấp nhận về mặt đạo đức và có dấu hiệu của tội đưa hối lộ. Cơ quan chức năng cần làm rõ hành vi, thu thập bằng chứng để xử lý hình sự hoặc hành chính, tùy theo mức độ vi phạm.

Các thí sinh được nâng điểm ở Sơn La có nhiều phụ huynh là lãnh đạo trong ngành giáo dục

Ông Nghĩa phân tích, nguyên tắc của nhà nước pháp quyền là mọi công dân phải sống và làm việc theo pháp luật. Bất kể anh là ai, giàu có, quyền chức thế nào, nhưng đã vi phạm pháp luật thì phải xử lý như nhau, “không thể vì anh nhiều tiền, nhiều quyền hơn mà được đặc cách không bị xử lý”. vụ án phải được xét xử công khai và mọi thông tin liên quan cần minh bạch, nếu không có thể dẫn đến xử lý không công bằng giữa những người cùng vi phạm.

“Tôi đề nghị có hình thức xử lý thích đáng phụ huynh có chứng cứ là đã trả tiền để được nâng điểm cho con em. Cán bộ, công chức thì xử lý trong cơ quan, đơn vị công tác, dân thường thì xử lý ở nơi cư trú, nếu đến mức nghiêm trọng thì xử lý bởi tòa án”, ông Nghĩa nói và nhấn mạnh, tùy theo mức độ vi phạm và phạm vi công khai phù hợp, không thể viện cớ nào đó để “ém nhẹm” thông tin.

Theo báo Nhân đạo & Đời sống