Giá vé đường sắt Cát Linh – Hà Đông thấp nhất giá 8000 đồng/ lượt

Giá vé tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông dự kiến sẽ rẻ hơn nhiều lần so với xe ôm công nghệ, taxi. Có ba loại giá vé áp dụng theo tháng, ngày và lượt.

Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã được Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội trình 3 phương án giá vé và hiện được thành phố chấp thuận phương án 2, hiện đang lấy ý kiến người dân.

Theo dự thảo, 3 loại vé hiện nay gồm: vé tháng 200.000 đồng/người; vé ngày 30.000 đồng/người (không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến theo ngày) và vé lượt (vé lượt sẽ được tính theo quãng đường di chuyển của hành khách trong đó tối đa 15.000 đồng nếu đi toàn tuyến và thấp nhất là 8.000 đồng với quãng đường ngắn nhất).

Mức giá trên đã được trợ giá và chỉ áp dụng trong thời gian thí điểm kể từ ngày đưa phương tiện vào khai thác thương mại.

Sau khi xây dựng dự thảo và tính toán chi phí vận hành, quản lý, Thành phố Hà Nội sẽ ban hành giá vé chính thức.

Toàn tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông có chiều dài hơn 13 km, điểm đầu tại ga Cát Linh, điểm cuối tại ga Yên Nghĩa với 12 ga, trung bình 1 km có 1 ga.

Loại vé này  lượt được áp dụng khá linh hoạt, khách có thể thanh toán bằng tiền mặt hoặc thẻ. Việc thanh toán bằng thẻ được khuyến khích hơn bởi giá rẻ hơn hoặc thanh toán  bằng tiền mặt khoảng 500 đồng mỗi lượt.

Theo mức giá này, giá vé metro Cát Linh – Hà Đông (được trợ giá) khá thấp khi 6,5 km đầu tiên giá vé dự kiến được áp dụng là 11.000 đồng. Nếu so sánh, giá xe ôm công nghệ như Grabbike từ Yên Nghĩa lên Cát Linh có giá 70.000 đồng/lượt, taxi khoảng 140.000 đồng/lượt.

Thành phố cũng đề nghị Sở GTVT phối hợp với Sở Tài chính, Cục thuế TP hướng dẫn công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội thực hiện mức giá vé theo đúng đối tượng; chấp hành đúng các quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý vé, biên lai, ấn chỉ.

Bên cạnh đó, Sở GTVT phối hợp với Sở Tài chính, Sở LĐTB&XH xây dựng quy trình mua vé tháng cho đối tượng ưu tiên theo các quy định hiện hành.

Theo báo Nhân đạo & Đời sống