Dịch bệnh trên thế giới và trong nước còn rất phức tạp, nguy cơ tiềm ẩn vẫn rất lớn. Nếu nới lỏng, dịch bệnh có thể bùng phát trở lại và “chúng ta phải chuẩn bị tinh thần là dịch còn kéo dài”.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam – trưởng ban chỉ đạo – đã nhấn mạnh như vậy khi chủ trì họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (COVID-19) vào ngày 13-4.
Qua phân tích dữ liệu tình hình dịch bệnh trong nước, đǻnĥ giá các nguy cơ rủi ro, Ban chỉ đạo nhận định: mặc dù đang kiểm soát tình hình dịch bệnh, nhưng diễn biến dịch bệnh trên thế giới và trong nước còn rất phức tạp, nguy cơ tiềm ẩn vẫn rất lớn, nếu nới lỏng dịch bệnh có thể bùng phát trở lại và “chúng ta phải chuẩn bị tinh thần là dịch còn kéo dài”.
Tình hình còn phức tạp
Do đó, cùng với việc kiên trì thực hiện nguyên tắc chống dịch từ ban đầu (ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, điều trị, dập dịch) thì công tác truy vết ca bệnh kết hợp với các biện pháp cách ly xã hội vẫn là những giải pháp hiệu quả nhất trong phòng chống COVID-19.
Ban chỉ đạo thống nhất, trước hết cần tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 (đến ngày 15-4) để tiếp tục ngăn chặn dịch bệnh, tuyên truyền, vận động để người dân thực hiện nghiêm quy định về cách ly xã hội; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đến khi Chỉ thị 16 hết hiệu lực, Ban chỉ đạo sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị mới trong đó quán triệt tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp phòng chống dịch từ ban đầu, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, củng cố các quy định về truy vết ca bệnh.
Tính phương án giãn cách xã hội khác?
Đối với việc cách ly, giãn cách xã hội, các ý kiến cho rằng cần kiến nghị các giải pháp cụ thể, chi tiết hơn, có tính đến yếu tố địa phương, nhóm đối tượng, ngành nghề sản xuất kinh doanh. Đồng thời tăng cường ứng dụng các công cụ công nghệ thông tin, truyền thông để truy vết, giám sát các ca bệnh; giám sát việc thực hiện cách ly xã hội.