Hải Dương: Vì sao lãnh đạo Công an huyện Thanh Hà phải ‘trốn’ phóng viên?

Ông Phạm Văn Toản, Phó Đội trưởng Đội CSGT huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đã thu trực tiếp 1.500.000 đồng của người vi phạm thông qua tờ biên bản lập xong rồi… để đấy!

Thu tiền tươi để…“tạo điều kiện” cho người vi phạm giao thông

Theo tài liệu cung cấp cho PV Báo Điện Ʈử Nhân đạo & Đời sống, chị Cao Thị Huyền, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, chị có vi phạm giao thông và bị lực lượng CSGT huyện Thanh Hà dừng xe xử lý. Quá trình xử lý vi phạm, Trung tá Phạm Văn Toản, Phó Đội trưởng Đội CSGT huyện Thanh Hà đã đưa chị vào phòng làm việc trong trụ sở để thu của chị số tiền mặt 1.500.000 đồng.

Cụ thể, vào khoảng 15g45 ngày 12/3/2019, tại ngã tư thị trấn Thanh Hà, cách trụ sở Công an huyện Thanh Hà Khoảng 50m, quá trình tham gia giao thông, do không quan sát kỹ nên chị Huyền vi phạm vượt đèn đỏ khi rẽ phải, ngay lập tức, có hai chiến sĩ CSGT ra chặn xe để xử lý. Khi kiểm tra, các chiến sĩ CSGT chỉ ra cho chị Huyền thêm lỗi vi phạm là bảo hiểm xe ô tô đã hết hạn. Một trong hai chiến sĩ CSGT mang giấy tờ xe của chị Huyền vào trụ sở, rồi dẫn chị Huyền vào phòng làm việc trong trụ sở Công an huyện để xử lý vi phạm.

Trung tá Phạm Văn Toản nhận tiền mặt từ chị Huyền. (Ảnh do chị Huyền cung cấp được cắt từ clip).

Vừa vào đến phòng làm việc, một Trung tá CSGT đeo biển tên Phạm Văn Toản công bố cho tôi về lỗi vi phạm gồm: Một là không chấp hành tín hiệu đèn giao thông mức phạt là 1.600.000 đồng và tước giấy phép lái xe 2 tháng; Hai là bảo hiểm đã hết hạn, mức phạt là 500.000 đồng. Cả hai lỗi là 2.100.000 đồng” – chị Huyền thuật lại.

Cũng theo chị Huyền, quá trình xử lý vi phạm kéo dài do trung tá Phạm Văn Toản giải thích lòng vòng, gợi ý (?!) về mức tiền phải nộp đối với lỗi vi phạm, trong khi chị sắp đến giờ hẹn làm việc ở một đơn vị khác.

“Tôi đề nghị với ông Toản lập biên bản xử lý nhanh để tôi kịp giờ hẹn” – chị Huyền cho biết.

Cuối cùng, sau lời đề nghị quyết đoán của người vi phạm, Trung tá Phạm Văn Toản tuyên bố “tạo điều kiện” chỉ xử lý một lỗi không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, nộp ngay tại chỗ 1.500.000 đồng.

Trung tá Phạm Văn Toản cũng tiến hành lập biên bản về hành vi vi phạm của chị Huyền. Tuy nhiên, biên bản lập xong không được xé liên 2 để giao cho người vi phạm theo quy định. Theo lời chị Huyền thì Trung tá Phạm Văn Toản đã yêu cầu chị phải đưa số tiền 1.500.000 đồng. Chị Huyền thắc mắc việc không được giao liên 2 của biên bản vi phạm hành chính thì Trung tá Toản giải thích, rằng nếu là người vi phạm, sẽ được cầm biên bản này. Thế nhưng, vì chị nộp tiền ở đây, nên chị được cầm lại giấy tờ xe luôn…???

Luật sư Nguyễn Thanh Hoàng, thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội nêu quan điểm: “Theo Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi vượt đèn đỏ của chị Huyền sẽ bị xử phạt mức tiền từ 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Ngoài ra, chị Huyền còn bị áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1-3 tháng”.

Theo luật sư, căn cứ khoản 1 Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức thì không lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ. Đó là lỗi vi phạm có mức phạt dưới 250.000 đồng, không thuộc trường hợp tạm giữ phương tiện hoặc Giấy phép lái xe thì CSGT sẽ xé biên lai tại chỗ mà không lập biên bản và người vi phạm có thể nộp phạt tại chỗ.

“Như vậy, CSGT được phạt tại chỗ không quá 250.000 đồng. Theo quy trình xử lý vi phạm, lực lượng CSGT huyện Thanh Hà phải lập biên bản vi phạm hành chính của chị Huyền. Tại biên bản ghi rõ lỗi vi phạm, tạm giữ giấy phép lái xe, ghi rõ thời gian, địa điểm hẹn người vi phạm đến giải quyết vi phạm. Khi đến giải quyết vi phạm, Trưởng Công an huyện là người ký Quyết định xử phạt hành chính đối với chị Huyền theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Chị Huyền sau khi nhận được Quyết định xử phạt phải ra Kho bạc Nhà nước nộp phạt để thi hành quyết định xử phạt… Sự việc cho thấy, Trung tá Phạm Văn Toản tự ý thu số tiền 1.500.000 đồng của người vi phạm là không đúng thẩm quyền, có dấu hiệu tiêu cực” – luật sư Hoàng nhận định.

Những cuộc hẹn lạ lùng của lãnh đạo Công an huyện (!?)

Với những thông tin và tài liệu khá đầy đủ do chị Huyền cung cấp về vụ việc, PV Báo điện Ʈử Nhân đạo & Đời sống liên hệ làm việc với ông Phạm Minh Hải, Trưởng Công an huyện Thanh Hà để phản ánh và đề nghị trao đổi làm rõ. Sau khi tiếp nhận nội dung thông tin, ông Hải báo bận rồi giới thiệu PV liên hệ làm việc với ông Vũ Văn Khải, Phó trưởng Công an huyện phụ trách CSGT.

Liên lạc qua điện thoại với ông Khải để hẹn lịch làm việc, ông Khải nói sẽ xác minh và báo lại lịch làm việc cụ thể với PV. Cuộc điện thoại sau đó, ông Khải thừa nhận với PV có trung tá Phạm Văn Toản, Phó Đội trưởng Đội CSGT là người đã xử lý vi phạm đối với chị Cao Thị Huyền. Ông Khải thống nhất với PV buổi làm việc vào sáng 19/3/2019. Tuy nhiên, sáng 18/3/2019, qua một cuộc điện thoại, ông Khải nói đang ở Hà Nội, và muốn “gặp gỡ” PV để được bỏ qua (?!)

Trụ sở Công an huyện Thanh Hà, nơi PV được hẹn đến làm việc rồi… bị “leo cây”

Phóng viên đã từ chối gặp theo ý muốn của ông Khải, đồng thời đề nghị được làm việc một buổi chính thức tại trụ sở Công an huyện Thanh Hà như đã hẹn. Ông Khải nêu lý do rồi hủy hẹn: “Tôi không về được nên sẽ ủy quyền cho đồng chí Đội trưởng Đội CSGT tiếp phóng viên”.

Đúng hẹn, 9g10 ngày 19/3/2019, PV báo Điện Ʈử Nhân đạo & Đời sống có mặt tại trụ sở Công an huyện Thanh Hà. Một cán bộ CSGT dẫn PV vào phòng làm việc rồi hẹn PV ngồi đợi một lát, chỉ huy Đội CSGT sẽ về làm việc. Đến 9g37, cán bộ CSGT cho biết, chỉ huy Công an huyện và chỉ huy Đội CSGT sẽ cùng làm việc với PV. Thế nhưng, đúng 20 phút sau, vị cán bộ CSGT nghe cuộc điện thoại của ai đó rồi tuyên bố với PV: Thôi các anh về đi, lãnh đạo của chúng tôi không về tiếp các anh đâu, hẹn các anh lần khác vậy (?).

Vậy là, đến một cuộc hẹn làm việc với báo chí, lãnh đạo Công an huyện Thanh Hà còn loanh quanh, né tránh nhiều lần như vậy, thì liệu rằng người dân bình thường có thể trông mong gì được từ những vị cán bộ Công an này?

Ngay trên cổng trụ sở Công an huyện Thanh Hà có trương khẩu hiệu: “Vì nước quên thân – Vì dân phục vụ”. Qua cách xử lý vi phạm bằng việc “rút tiền mặt” của Trung tá Phạm Văn Toản, Phó Đội trưởng công an huyện Thanh Hà, và những “lời nói gió bay” của lãnh đạo Công an huyện này, rồi niềm tin vào sự “quên thân” và “vì dân phục vụ” của người dân đối với một số cán bộ Công an huyện Thanh Hà sẽ đi đến đâu?

Có khuất tất gì trong việc ông Phạm Văn Toản lập biên bản nhưng không giao liên 2 cho người vi phạm, rồi đòi được chị Huyền nộp 1.500.000 đồng? Báo điện Ʈử Nhân đạo & Đời sống tiếp tục thông tin đến bạn đọc…

Theo Nguyễn Khuê, báo Nhân đạo & Đời sống