Tôm hùm đất từng ‘xâm chiếm’ nhiều vùng đất trên thế giới

Tôm hùm đất bị cấm ở Việt Nam, có tên khoa học là Cherax quadricarinatus, cũng từng khiến Mỹ, Tây Ban Nha và nhiều nước châu Phi phải "lo sốt vó" vì các tác hại mà nó gây cho cho hệ sinh thái.

Bộ NN-PTNT vừa có công văn hỏa tốc đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các ban ngành có liên quan tổ chức kiểm tra, xử lí nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan đến tôm hùm đất (tôm hùm càng đỏ).

Theo Bộ NN-PTNT, tôm hùm đất bị cấm ở Việt Nam, có tên khoa học là Cherax quadricarinatus, tên thường gọi là Australian redclaw crayfish, có nguồn gốc từ Australia và Papua New Guinea.

Theo VTC News, do có hình dạng khá tương đồng và cùng tên gọi tôm hùm đất (hay crayfish trong tiếng Anh), một số người nhầm loài này với một loài họ hàng nổi tiếng hơn là Louisiana crayfish (Procambarus clarkia) có nguồn gốc từ nam nước Mỹ và bắc Mexico.

Tôm hùm đất. Ảnh báo Nông nghiệp

Tuy nhiên, cả hai loài đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới với vai trò là vật nuôi của ngành thủy sản, trong đó có Mỹ, Australia, Anh, Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy, Pháp, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc…

Nhiều nước coi chúng là những loài ngoại lai có nguy cơ gây hại do có khả năng thích nghi tốt với môi trường mới, sinh sản nhanh, ăn tạp. Chúng có thể phá hại mùa màng, cạnh tranh thức ăn với các loài bản địa hay dùng loài bản địa làm thức ăn, đào hang giỏi gây ảnh hưởng đến mương máng, đê điều.

Ngoài ra chúng còn mang các mầm bệnh ký sinh nguy hiểm cho các loài thủy, hải sản khác. Tại Việt Nam, tôm hùm đất từng được nuôi thử nghiệm tại tỉnh Phú Thọ năm 2012. Tuy nhiên qua quá trình nghiên cứu và thử nghiệm, xác định việc nuôi loài tôm này là lợi bất cập hại, các nhà khoa học đã đề nghị không nhân giống phát triển chúng.

Tôm hùm đất là sinh vật ăn tạp, ưa đào hang, có khả năng sinh sản nhanh chóng và chống chịu trước biến động môi trường. Chúng ăn tất cả loại búp cây non, thậm chí cả tôm, cá nhỏ. Với đặc tính sinh học như vậy, tôm hùm đất đã để lại hậu quả rất xấu ở nhiều nơi trên thế giới.

Trước đây, vào những năm 1960, Tây Ban Nha từng thử nhân giống tôm hùm đất có xuất xứ từ Louisiana, Mỹ. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn, tôm hùm đất này phát triển nhanh trong môi trường tự nhiên, phá hủy những cánh đồng lúa ở Tây Ban Nha.

Trong khi đó, tại Mỹ, chính quyền bang Michigan áp dụng các biện pháp hạn chế số lượng tôm hùm đất. Bởi lẽ, chỉ trong thời gian rất ngắn, số lượng tôm hùm đất đã tăng chóng mặt và phá hủy thiên nhiên. Trong một khu vực rộng 4.000m2, chính quyền bang Michigan tìm thấy tới 2.600 con tôm hùm đất. Loài sinh vật ngoại lai này sinh sôi mạnh mẽ, đe dọa lan rộng đến khắp khu vực bang.

Ngay tại Trung Quốc, tôm hùm đất đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng hệ sinh thái tại khu vực sông Trường Giang. Chưa dừng lại tại đó, loài này còn “xâm lược” châu Phi từ những năm 1970.

Một số nước Kenya, Rwanda, Uganda, Egypt, Zambia, Nam Phi phải chịu thiệt hại rất nặng do sinh vật này. Tôm hùm đất đi đến đâu, chúng quét sạch các sinh vật và cây trồng ở vùng ẩm ướt đến đó. Chúng gây ra mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng.

“Tôm hùm đất là nguyên nhân khiến nhiều thực vật thủy sinh ở châu Phi biến mất”, ông Geoffrey Howard, chuyên gia về sinh vật xâm lấn tại tổ chức Bảo vệ Môi trường Quốc tế (IUCN) nói.

Theo báo Tiền Phong dẫn lời Ông Phạm Minh Chí – Phó Trưởng phòng Thanh tra Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp cho biết, loài tôm mà ông Hòa nuôi là tôm hùm đỏ (hay tôm hùm đất), tên khoa học là Procambarus clarkii, một loại giáp xác nước ngọt, nguồn gốc ở nam Hoa Kỳ, có nhiều khả năng còn nguy hại hơn cả ốc bươu vàng.

Ông Nguyễn Văn Công – giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp – cho biết tôm hùm đỏ hay tôm hùm đất là động vật ngoại lai nguy hại không được phép nuôi.

Trường hợp ông Trần Văn Hòa – giám đốc Công ty sen Hoàng Giang – nuôi loại tôm này là nuôi một cách lén lút, khi người dân phát hiện thì các cơ quan chức năng đã phối hợp tiêu hủy ngay.

“Tôm hùm đỏ đã bị cấm nuôi từ lâu, nếu phát hiện cá nhân, tổ chức nào nuôi lén lút, ngoài việc buộc tiêu hủy còn xử lý mạnh tay” – ông Công khẳng định.

Theo báo Nhân đạo & Đời sống

Chia sẻ