Lớp học có 42/43 học sinh giỏi: Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu yêu cầu làm rõ

Khi sự việc một lớp có 43 học sinh nhưng có đến 42 em đạt lực học giỏi đã không ít người nghi ngờ, đặc biệt là phụ huynh học sinh.

Theo VTC News đưa tin, liên quan đến vụ một lớp có 43 học sinh, 42 em là học sinh giỏi, ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết Sở đã yêu cầu đơn vị quản lý trực tiếp trường THCS giải trình.

“Tôi yêu cầu Phòng GD&ĐT thành phố Vũng Tàu giải trình sự việc. Do đây là trường THCS, phòng giáo dục là đơn vị quản lý trực tiếp. Chúng tôi đợi kết quả giải trình để hiểu rõ, sau đó mới có hướng xử lý”, ông Giang thông tin.

Cũng trên báo này, Ông Phạm Văn Ngọc, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Vũng Tàu, thừa nhận đây là kết quả tổng kết của một trường THCS trên địa bàn. Dù không phải cơ sở giáo dục hàng đầu của thành phố, nhưng đây là trường có thành tích tốt, dù điều kiện còn khó khăn.

Kết quả học tập của một lớp học khiến không ít người ngạc nhiên

“Tôi đã yêu cầu trường có văn bản giải trình gấp về thành tích 42/43 học sinh giỏi trong một lớp. Đồng thời, yêu cầu trường kiểm tra lại đề thi học kỳ như thế nào, có đǻnĥ giá khách quan không. Cũng có thể trường xếp lớp theo trình độ, đây là lớp học sinh giỏi”, ông Ngọc nói.

Trước đó, Zing.vn cho hay, anh Hùng, chú của một học sinh tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hoài nghi về thành tích 42/43 học sinh giỏi trong một lớp. Đặc biệt, trường hợp của cháu anh “đang có nhiều vấn đề” nhưng vẫn được xếp loại giỏi.

“Tôi mới đi họp phụ huynh cuối năm cho cháu trai lớp 6. Sĩ số lớp 43, thì 42 bạn đạt loại giỏi, duy nhất một em khá. Không biết nhà trường cho học và thi kiểu gì mà toàn nhân tài”, anh Hùng cho biết.

Với kết quả này, nhiều giáo viên tỏ ra ngạc nhiên khi trường chuyên hàng đầu của TP.HCM vẫn có học sinh trung bình, nhưng một lớp bình thường lại có tỷ lệ học sinh giỏi cao ngất ngưởng.

Trong khi đó, thầy Hồ Như Ngọc, giáo viên THPT tại Thanh Hóa, lại cho rằng kết quả trên quá… bình thường, nam giáo viên đã gặp nhiều và từng được yêu cầu phải “phóng” điểm cho học sinh. Không ít thầy cô cho biết có thể giáo viên đã gặp nhiều áp lực từ phía cấp trên, phụ huynh, buộc phải cho điểm dễ dãi để học sinh đạt loại khá, giỏi.

Theo báo Nhân đạo & Đời sống