Hỗ trợ 38.000 đồng/kg lợn bị dịch tả lợn châu Phi khi tiêu huỷ

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, sau 5 ngày tiêu huỷ lợn bị dịch tả lợn châu Phi phải hỗ trợ tiền để bà con yên tâm. Trước mắt, thực hiện hỗ trợ 38.000 đồng/kg lợn hơi.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, sau 5 ngày tiêu huỷ lợn bị dịch tả lợn châu Phi phải hỗ trợ tiền để bà con yên tâm. Trước mắt, thực hiện hỗ trợ 38.000 đồng/kg lợn hơi.

Cơ chế hỗ trợ lợn nhiễm bệnh bị tiêu hủy cụ thể như thế nào?

Chiều 5/3, tại cuộc họp với các sở ngành, địa phương trên địa bàn Hà Nội về giải pháp về ứng phó cấp bách với bệnh dịch tả lợn châu Phi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, để người chăn nuôi yên tâm và chủ động khai báo khi lợn bị nhiễm bệnh và phải tiêu hủy, các địa phương cần chủ động ngân sách từ nguồn dự phòng để hỗ trợ kịp thời cho bà con. Sau 5 ngày lợn bị tiêu huỷ phải hỗ trợ tiền để bà con yên tâm. Trước mắt, thực hiện hỗ trợ 38.000 đồng/kg lợn hơi.

Vấn đề hỗ trợ cho người dân để tiêu hủy lợn đang được nhiều địa phương quan tâm. Tuy nhiên, nhiều đại diện của các địa phương cho rằng, việc chậm hỗ trợ người dân tiêu hủy lợn nhiễm bệnh làm ảnh hưởng tâm lý của người chăn nuôi. Sẽ có trường hợp sẵn sàng bán tháo để nhận tiền luôn, thay vì trông chờ hỗ trợ của Nhà nước.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Sửu cũng yêu cầu các sở ngành, địa phương tiếp tục triển khai và quán triệt tốt “5 không” trong ứng phó với bệnh dịch đến từng thôn, xã; trong đó, đặc biệt chú ý kiểm soát chặt chẽ thức ăn dư thừa chưa được xử lý nhiệt – vốn là nguyên nhân được Tổ chức Thú y thế giới (IOE) nhận định chiếm đến 60% nguồn lây lan và xâm nhiễm của bệnh dịch tả lợn châu Phi. Bên cạnh đó, lãnh đạo các sở ngành, địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhất là các Bí thư, Chủ tịch các địa phương phải trực tiếp vào cuộc. Nếu quận, huyện nào để xảy ra tình trạng người dân ném lợn ₵hḗt ra sông thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước thành phố.

Trước đó, theo chia sẻ của Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) Phạm Văn Đông, mức hỗ trợ đối với lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi hiện nay áp dụng chung theo mức hỗ trợ quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ về Chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Cụ thể, khoản b, Điều 4 Nghị định 02/2017/NĐ-CP quy định, mức hỗ trợ với chăn nuôi gia súc, gia cầm thiệt hại do dịch bệnh như sau: Hỗ trợ trực tiếp cho các hộ sản xuất có gia súc, gia cầm phải tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch bắt buộc phải tiêu hủy là 38.000 đồng/kg hơi đối với lợn. Chiếu theo quy định này hiện 1kg lợn hơi tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn Châu Phi người chăn nuôi sẽ được hỗ trợ 38.000 đồng.

Sau bao lâu bà con nhận được tiền hỗ trợ lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi?

Về quy trình, thủ tục để được nhận hỗ trợ, ông Phạm Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng, một trong những địa phương có dịch tả lợn Châu Phi cho biết, bình thường đối với các dịch bệnh khác sau 21 ngày không phát sinh thêm ổ dịch mới sẽ công bố hết dịch nhưng riêng với dịch tả lợn Châu Phi thời gian là 30 ngày.

Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NNPTNT), từ ngày 13/02 – 03/3/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 101 hộ, 33 thôn của 15 xã, 3 huyện của tỉnh Thái Bình, toàn bộ 1.118 con lợn dương tính với bệnh đã được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn.

Tức là sau 30 ngày từ ngày công bố dịch, nếu không phát sinh thêm ổ dịch tả lợn Châu Phi mới, các cơ quan chức năng, bao gồm Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp (tỉnh, huyện, xã) phối hợp cùng cơ quan chuyên môn thú y, chính quyền địa phương rà soát thống kê, kiểm kê khối lượng, số lượng cụ thể lợn bị tiêu hủy để làm đề xuất hỗ trợ. Nếu mức hỗ trợ không quá lớn sẽ lấy nguồn từ các Quỹ dự phòng dịch bệnh của địa phương. Trong trường hợp nguồn tiền quá lớn sẽ cân đối từ nguồn của thành phố hoặc xin Trung ương hỗ trợ.

Theo báo Nhân đạo & Đời sống

Chia sẻ